Ê Đê
Tổ tiên người Êđê sinh tụ ở miền Trung Tây Nguyên từ hàng nghìn năm trước. Ngày nay, dân tộc này có hơn 331.000 người (2009), cư trú chủ yếu ở tỉnh Đắk Lắk, một bộ phận ở miền tây hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà. Cộng đồng Êđê bao gồm nhiều nhóm địa phương: Kpạ, Bih, Mthur, Adham... Tiếng nói của họ thuộc ngữ hệ Nam Đảo.
Đây là cư dân còn bảo lưu tập tục mẫu hệ khá điển hình. Người Êđê cũng làm rẫy theo tập quán đa canh như khắp vùng Trường Sơn – Tây Nguyên. Ngày nay, ở vùng người Êđê, cây công nghiệp giữ vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, họ có những loại sản phẩm hàng hóa nổi tiếng như cà phê, hồ tiêu, cao su...
Theo tín niệm Êđê, có rất nhiều "thần linh" thiện và ác, ở tầng trời và tầng đất. Do vậy, trong một năm người Êđê thực hiện nhiều lễ cúng để cầu lúa tốt, được mùa, làm ăn may mắn, khoẻ mạnh và bình yên, trong đó lớn nhất là những nghi lễ có hiến sinh trâu.
Trong di sản văn hoá Êđê, không thể thiếu âm nhạc cồng chiêng, các loại nhạc cụ đa dạng làm bằng tre nứa và vỏ bầu, cũng không thể không kể đến luật tục, các hình thức văn học dân gian truyền miệng, đặc biệt là các sử thi (Đam San, Đam Kteh Mlan, Khing Juh...).